Nguyên nhân khách quan Lịch_sử_Nga,_1892-1917

Kinh tế

Đầu thế kỷ XX, đế quốc Nga là một trong những đế quốc lớn nhất thế giới. Sau khi Nga hoàng Aleksandr II thực hiện cuộc cải cách nông nô 1861, chủ nghĩa tư bản Nga phát triển nhanh chóng. Tuy phát triển sau các nước tư bản Tây Âu nhưng đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cũng như các nước Tây Âu khác, đế quốc Nga cũng chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Tư bản nước ngoài đầu tư mạnh mẽ vào Nga như Anh, Pháp, Đức đặc biệt là Pháp với 5 tỉ Rupee. Các ngành công nghiệp nặng phát triển như luyện kim, cơ khí, hoá dầu,… với nhiều thành tựu như từ năm 1860 đến 1890, sản lượng thép tăng lên 3 lần, than đá tăng 19 lần, chiều dài đường xe lửa tăng gấp đôi. Năm 1913, sản lượng công nghiệp Nga chiếm 5,5% sản lượng công nghiệp thế giới, đứng thứ 5 thế giới.

Đến đầu thế kỷ XX, 150 công ty độc quyền thao túng toàn bộ nền kinh tế Nga như ngân hàng Nga Á chiếm 1/3 tổng số vốn ngân hàng của nước Nga. Về trình độ công nghiệp của Nga thua kém các nước khác nhưng mức độ tập trung công nghiệp rất cao. ¾ công nhân Nga tập trung ở các thành phố lớn như Petrograd, Moskva, khu khai thác than Donetsk, khu khai thác dầu Baku.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng nhưng muộn màng của chủ nghĩa tư bản Nga vẫn không thể thay đổi 1 thực tế là nước Nga là vẫn là 1 nước nông nghiệp với mối quan hệ sản xuất phong kiến lạc hậu. Tàn tích của chế độ nông nô vẫn còn tồn tại sâu rộng ở nước Nga thể hiện rõ nét ở việc phần lớn ruộng đất tập trung trong tay quý tộc, địa chủ. 2/3 ruộng đất trong nước nằm trong tay địa chủ, quý tộc, 30 000 đại địa chủ chiếm tới 70 triệu mẫu Nga (1 mẫu Nga = 1,09 hecta) ruộng đất. Nga hoàng đồng thời cũng là địa chủ lớn nhất với 7 triệu mẫu Nga ruộng đất. Địa chủ bóc lột nông dân hết sức nặng nề và tàn bạo, nhất là chế độ lao dịch. Trình độ sản xuất nông nghiệp lạc hậu do đó năng suất thấp, nạn mất mùa và đói kém xảy ra thường xuyên.

Sau khi Nga tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), chiến tranh đã làm cho nền kinh tế bị kiệt quệ. Nhiều lãnh thổ trù phú, nhiều nhà máy ở vùng phía Tây nước Nga bị quân Đức chiếm nên tiềm lực công nghiệp chỉ còn một nửa mức trước chiến tranh, sản lượng nông nghiệp bị giảm 20%, chỉ còn lại 1/2 chiều dài đường sắt và các phương tiện vận tải, tiền tệ lạm phát nghiêm trọng. Những khó khăn về kinh tế đã làm bùng nổ mâu thuẫn chính trị, xã hội.

Chính trị - xã hội

Đến đầu thế kỷ XX và trước thế chiến thứ nhất, Nga vẫn là nước theo chế độ quân chủ chuyên chế dưới sự cai trị của Nga hoàng Nikolai II. Sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản độc quyền và những quan hệ tiền tư bản chủ nghĩa, sự kết hợp giữa hình thái kinh tế tiên tiến nhất và lạc hậu nhất đã làm cho nước Nga trở thành nơi tập trung cao độ các mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc:

  • Mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Nga với chế độ quân chủ chuyên chế của Nga hoàng
  • Mâu thuẫn giữa địa chủ và nông dân. Một ít số liệu minh chứng cho điều này: Dân số nước Nga Sa hoàng năm 1897 là 125,6 triệu người thì có 97 triệu người là nông dân. Trong số đó có 12% nông dân không có đất, 16% nông dân có đất nhưng không canh tác, 23% không có bò (là vật kéo chủ yếu của nông dân Nga thời bấy giờ) và 30% nông dân không có ngựa (vật kéo, phương tiện di chuyển). Nước Nga năm 1917 chứng kiến sự mất quân bình lớn trong sở hữu đất đai giữa địa chủ - nông dân: có 78,8 nghìn nông trại tư nhân với trung bình 300 dessiatn đất mỗi nông trại, trong khi 13 triệu nông trại tư nhân còn lại hết sức nhỏ bé, trung bình chỉ có 8 dessiatn đất.[1]
  • Mâu thuẫn giữa tư sảnvô sản
  • Mâu thuẫn giữa đế quốc Nga và các dân tộc trong đế quốc. Đế quốc Nga tồn tại hơn 100 dân tộc và các dân tộc bị đối xử tàn bạo, bị khinh rẻ và chịu nhiều áp bức do đó đế quốc Nga là " nhà tù của các dân tộc ".
  • Mâu thuẫn giữa đế quốc Nga và các đế quốc khác. Để có thêm thị trường tiêu thụ hàng hoá và tăng cường lợi nhuận, đế quốc Nga thường xuyên mở những cuộc chiến tranh giành giật thuộc địa và các khu vực bị ảnh hưởng do đó đế quốc Nga có mâu thuẫn với nhiều đế quốc khác như Anh về vấn đề Trung Cận Đông, đế quốc Áo-Hung về vấn đề Balkan, đế quốc Ottoman về vấn đề eo biển Dardanellesđế quốc Nhật Bản về vấn đề phạm vi hoạt động ở Thái Bình Dương. Đỉnh điểm của các mối mâu thuẫn này là chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905) và chiến tranh thế giới thứ nhất.

Với tình trạng kinh tế và tình hình xã hội tồn tại nhiều mối mâu thuẫn như vậy làm cho đế quốc Nga trở thành khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc, tạo nên tiền đề chủ quan cho cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ ra và giành thắng lợi.